Aluminium hydroxide (nhôm hydroxyd)

Aluminium hydroxide (nhôm hydroxyd)

Thông tin giới thiệu dưới đây dành cho các cán bộ y tế dùng để tra cứu, sử dụng trong công tác chuyên môn hàng ngày. Đối với người bệnh, khi sử dụng cần có chỉ định/ hướng dẫn sử dụng của bác sĩ/ dược sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Loại thuốc

Loại thuốc

Kháng acid

Chỉ định

Chỉ định

Làm dịu các triệu chứng do tăng acid dạ dày (chứng ợ nóng, ợ chua, đầy bụng khó tiêu do tăng acid).

Tăng acid dạ dày do loét dạ dày, tá tràng.

Phòng và điều trị loét và chảy máu dạ dày tá tràng do stress.

Điều trị triệu chứng trào ngược dạ dày - thực quản.

Tăng phosphat máu: Cùng với chế độ ăn ít phosphat. Tuy nhiên, dùng thuốc kháng acid chứa nhôm để làm chất gắn với phosphat (nhằm loại phosphat) có thể dẫn đến nhiễm độc nhôm ở người suy thận. Nên dùng thuốc khác.

Chống chỉ định

Chống chỉ định

Mẫn cảm với nhôm hydroxyd.

Giảm phosphat máu.

Trẻ nhỏ tuổi vì nguy cơ nhiễm độc nhôm, đặc biệt trẻ mất nước hoặc bị suy thận.

Liều dùng và cách dùng

Liều dùng và cách dùng

Để chống acid dịch vị: Liều thuốc cần để trung hòa acid dạ dày thay đổi tùy theo người bệnh, phụ thuộc vào lượng acid tiết ra và khả năng đệm của từng chế phẩm riêng biệt. In vivo, khả năng trung hòa acid của các thể tích bằng nhau của các chất kháng acid và chế phẩm kháng acid biến thiên rất lớn. Nếu uống lúc đói, thời gian tác dụng của thuốc vào khoảng từ 20 - 60 phút, nhưng nếu uống 1 giờ sau bữa ăn, tác dụng trung hòa acid có thể kéo dài tới 3 giờ.

Thuốc kháng acid dưới dạng hỗn dịch hoà tan dễ và nhiều hơn dạng bột và viên nén nên có nhiều khả năng trung hòa acid dịch vị hơn. Thông thường hỗn dịch kháng acid được ưa dùng hơn bột và viên nén. Viên nén phải nhai kỹ trước khi nuốt.

Dạng phối hợp thuốc kháng acid chứa hợp chất nhôm và/hoặc calci cùng với muối magnesi có ưu điểm là khắc phục tính gây táo bón của nhôm và/hoặc calci nhờ tính chất nhuận tràng của magnesi.

Liều dùng tối đa khuyến cáo để chữa triệu chứng rối loạn tiêu hóa, khó tiêu, không nên dùng quá 2 tuần, trừ khi có lời khuyên hoặc giám sát của thầy thuốc.

Để dùng trong bệnh loét dạ dày - tá tràng: Liều lượng cho theo kinh nghiệm và nhiều liều lượng khác nhau đã được sử dụng. Đối với bệnh nhân bị loét hành tá tràng không biến chứng, để đạt đầy đủ tác dụng chống acid ở thời điểm tối ưu, cần uống thuốc kháng acid 1 đến 3 giờ sau bữa ăn và vào lúc đi ngủ để kéo dài tác dụng trung hòa. Có thể uống thêm liều thuốc để đỡ đau giữa các liều đã được quy định. Thuốc thường cho từ 4 - 6 tuần, còn nếu loét dạ dày, thuốc kháng acid thường cho đến khi vết loét hết hoàn toàn.

Trào ngược dạ dày thực quản: Cho thuốc kháng acid cách 1 giờ 1 lần. Nếu triệu chứng kéo dài, có thể cho cách 30 phút 1 lần. Nếu điều trị lâu dài, cho thuốc 1 và 3 giờ sau khi ăn và lúc đi ngủ.

Chảy máu dạ dày và loét do stress: Thuốc kháng acid thường cho mỗi giờ một lần. Đối với chảy máu dạ dày, thuốc kháng acid phải được điều chỉnh để duy trì dịch hút từ dạ dày qua mũi có pH > 3,5. Đối với trường hợp nặng, hỗn dịch kháng acid phải pha vào nước hoặc sữa và cho truyền liên tục vào dạ dày.

Để giảm nguy cơ hít phải dịch vị acid khi gây mê: Cho 30 phút trước khi gây mê một hỗn dịch kháng acid.

Liều lượng:

Điều trị loét dạ dày:

Trẻ em: 5 - 15 ml, hỗn dịch nhôm hydroxyd, cứ 3 - 6 giờ một lần hoặc 1 đến 3 giờ sau các bữa ăn và khi đi ngủ.

Người lớn: 15 - 45 ml, cứ 3 - 6 giờ một lần hoặc 1 đến 3 giờ sau khi ăn và khi đi ngủ.

Phòng chảy máu đường tiêu hóa:

Trẻ nhỏ: 2 - 5 ml/liều, cứ 1 - 2 giờ uống một lần.

Trẻ lớn: 5 - 15 ml/liều, cứ 1 - 2 giờ uống một lần.

Người lớn: 30 - 60 ml/liều, cứ 1 giờ 1 lần.

Cần điều chỉnh liều lượng để duy trì pH dạ dày >5.

Chứng tăng phosphat máu: Cùng với chế độ ăn hạn chế phosphat, cho hỗn dịch nhôm hydroxyd 30 - 40 ml, ngày 3 hoặc 4 lần.

Trẻ em: 50 - 150 mg/kg/24 giờ, chia làm liều nhỏ, uống cách nhau 4 - 6 giờ; liều được điều chỉnh để phosphat huyết thanh ở mức bình thường.

Người lớn: 500 - 1 800 mg, 3 - 6 lần/ngày, uống giữa các bữa ăn và khi đi ngủ, tốt nhất là uống vào bữa ăn hoặc trong vòng 20 phút sau khi ăn.

Thận trọng

Thận trọng

Cần dùng thận trọng với người có suy tim sung huyết, suy thận, phù, xơ gan và chế độ ăn ít natri và với người mới bị chảy máu đường tiêu hóa.

Người cao tuổi, do bệnh tật hoặc do điều trị thuốc có thể bị táo bón và phân rắn. Cần thận trọng về tương tác thuốc.

Kiểm tra định kỳ hàng tháng hoặc 2 tháng 1 lần nồng độ phosphat trong huyết thanh cho người bệnh chạy thận nhân tạo và dùng lâu dài thuốc kháng acid chứa nhôm. 

Tác dụng không mong muốn ( ADR)

Tác dụng không mong muốn ( ADR)

Nhuyễn xương, bệnh não, sa sút trí tuệ và thiếu máu hồng cầu nhỏ đã xảy ra ở người suy thận mạn tính dùng nhôm hydroxyd làm tác nhân gây dính kết phosphat.

Giảm phosphat huyết đã xảy ra khi dùng thuốc kéo dài hoặc liều cao. Ngộ độc nhôm và nhuyễn xương có thể xảy ra ở người bệnh có hội chứng urê huyết cao.

Thường gặp, ADR > 1/100 Táo bón, chát miệng, cứng bụng, phân rắn, buồn nôn, nôn, phân trắng.

Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100 Giảm phosphat huyết, giảm magnesi huyết.

Dược lý và cơ chế tác dụng

Dược lý và cơ chế tác dụng

Gel nhôm hydroxyd khô là bột vô định hình, không tan trong nước và cồn. Bột này có chứa 50 - 57% nhôm oxyd dưới dạng hydrat oxyd và có thể chứa các lượng khác nhau nhôm carbonat và bicarbonat.

Nhôm hydroxyd là một muối vô cơ được dùng làm thuốc kháng acid. Thuốc phản ứng với acid hydrocloric dư thừa trong dạ dày để làm giảm độ acid trong dạ dày, nên làm giảm các triệu chứng loét dạ dày tá tràng, ợ chua, ợ nóng hoặc đầy bụng, trào ngược dạ dày - thực quản. Nhôm hydroxyd hay gây táo bón, nên nhôm hydroxyd thường uống cùng thuốc kháng acid chứa magnesi (magnesi oxyd hoặc magnesi hydroxyd) là thuốc có tác dụng nhuận tràng.

Nhôm hydroxyd cũng gắn vào phosphat thức ăn ở dạ dày và ruột để tạo thành những phức hợp không hoà tan và làm giảm hấp thu phosphat. Như vậy, nhôm hydroxyd còn được dùng để điều trị tăng phosphat huyết ở người bị suy thận hoặc tăng năng cận giáp thứ phát (tuy tích lũy nhôm là một vấn đề cần xem xét).

Nhôm hydroxyd cũng được dùng làm chất phụ (tá dược) trong vắc xin hấp phụ nhưng gần đây có báo cáo về phản ứng phụ do nhôm.

Dược động học

Khi uống, nhôm hydroxyd phản ứng chậm với acid hydrocloric dạ dày để tạo thành nhôm clorid hòa tan, một số nhỏ được hấp thu vào cơ thể. Các thức ăn trong dạ dày làm cho thuốc ra khỏi dạ dày chậm hơn khi không có thức ăn nên kéo dài thời gian phản ứng của nhôm hydroxyd với acid hydrocloric dạ dày và làm tăng lượng nhôm clorid. Khoảng 17 - 30% nhôm clorid tạo thành được hấp thu và đào thải rất nhanh qua thận ở người có chức năng thận bình thường. Ở ruột non, nhôm clorid được chuyển nhanh thành các muối nhôm kiềm không hoà tan, kém hấp thu, có thể là một hỗn hợp nhôm hydroxyd, oxyaluminum hydroxyd, các loại nhôm carbonat kiềm và các xà phòng nhôm. Nhôm hydroxyd cũng phối hợp với phosphat trong thức ăn ở ruột non để tạo thành nhôm phosphat không hòa tan, không hấp thu và bị đào thải vào phân. Nếu phosphat thức ăn được đưa vào cơ thể ít ở người bệnh có chức năng thận bình thường thì nhôm hydroxyd sẽ làm giảm hấp thu phosphat và gây giảm phosphat máu và giảm phosphat niệu và hấp thu calci tăng lên. In vitro, nhôm hydroxyd gắn với muối mật tương tự như cholestyramin và ít hoà tan trong dịch vị để giải phóng anion làm trung hoà một phần acid dịch vị.

Nhôm hấp thu được đào thải qua nước tiểu. Do đó, người bệnh bị suy thận có nhiều nguy cơ tích lũy nhôm (đặc biệt trong xương, hệ thần kinh trung ương) và nhiễm độc nhôm. Nhôm hấp thu sẽ gắn vào protein huyết thanh (thí dụ albumin, transferrin) và do đó khó được loại bỏ bằng thẩm phân.

Thời kì mang thai

Thời kì mang thai

Thuốc được coi là an toàn, nhưng nên tránh dùng liều cao kéo dài. 

Thời kì cho con bú

Thời kì cho con bú

Mặc dù một lượng nhỏ nhôm bài tiết qua sữa, nhưng nồng độ không đủ để gây tác hại đến trẻ bú mẹ.

Tương tác thuốc

Tương tác thuốc

Nhôm hydroxyd có thể làm thay đổi hấp thu của các thuốc. Uống đồng thời với tetracyclin, digoxin, indomethacin, muối sắt, isoniazid, alopurinol, benzodiazepin, corticosteroid, penicilamin, phenothiazin, ranitidin, ketoconazol, itraconazol có thể làm giảm sự hấp thu của những thuốc này. Vì vậy, cần uống các thuốc này cách xa thuốc kháng acid.

Tương kị

Tương kị

Gel nhôm hydroxyd làm giảm hấp thu các tetracyclin khi dùng kèm do tạo phức.

Độ ổn định và bảo quản

Độ ổn định và bảo quản

Ở nhiệt độ phòng, trong đồ đựng kín. 

Tài liệu tham khảo

Tài liệu tham khảo

Dược thư Quốc Gia Việt Nam.

Video introdution

[hQJ_oLsiqSs]
Grateful of customers

Thư cảm ơn Khoa Tai Mũi Họng

Trước đây, Cô là bệnh nhân luôn mang trong mình tâm lý lo sợ về bệnh tật. Nhưng từ khi được điều trị phẫu thuật và chăm sóc tại Khoa Tai Mũi Họng, Cô đã cảm giác được không khí ấm áp, chu đáo của các Bác sĩ nhân viên nơi đây, Cô thấy mình như đang được điều trị ở nhà... Chúc các con luôn nhiều sức khỏe và tinh thần an lạc..Ngày đến đêm luôn niềm nở ân cần, luôn đứng vững để sáng ngời y đức. (Cô. Nguyễn Thị Tuyết Hương).

Cảm ơn toàn bộ Bác sĩ và nhân viên bệnh viện !

Tôi bị u xơ và được các bác sĩ chỉ định mổ tại bệnh viện, do hoàn cảnh cá nhân không có người nhà đi kèm, tôi tự đi khám và mổ một mình, tâm trạng rất lo lắng, căng thẳng. Nhưng được sự thấu hiểu tâm lý yêu thương của các bác sĩ, các nữ hộ sinh và nhân viên ê kip mổ gây mê hồi sức,... đã giúp tôi an tâm, tin tưởng kết quả là sức khỏe, thể trạng và tinh thần tôi rất tốt, ổn định, vui vẻ, Tôi luôn biết ơn sự yêu thương người bệnh của tập thể bác sỹ bệnh viên mình, nhân viên tận tâm, nhiệt tình, yêu nghề,...dẫu thời gian ở bệnh viện không lâu nhưng đủ những cảm xúc tôi không thể nào quên, Xin chúc tất cả bác sĩ ngày càng yêu nghề, BV ĐHYD CS2 ngày càng phát triển,..Tôi xin chân thành cảm ơn ( Nguyễn Thị Ánh Ngân).

Trân trọng cảm ơn sự tận tình, chăm sóc điều trị

Trong thời gian người nhà chúng tôi điều trị tại đây, chúng tôi đã nhận được sự tận tình chăm sóc, điều trị của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng của Đơn vị Chấn thương Chỉnh hình, Đặc biệt xin cảm ơn đến ekip phẫu thuật...sự tận tâm này đã xua tan những nỗi đau và nỗi lo cho Má tôi là bà Huỳnh Thị Dung. Xin trân trọng cảm ơn bệnh viện đã tổ chức tốt một nơi khám chữa bệnh. Xin kính chúc toàn thể đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế nhiều sức khỏe. ( Nguyễn Tấn Hưng).

Lời thơ thay lời cảm ơn

Gửi tặng ê- kíp Bác sỹ các y tá, điều dưỡng của Khoa Ngoại Tổng hợp BV Đại học Y Dược Cơ sở 2 TP.HCM thay lời cảm ơn Rất xúc động trước tấm lòng Bác sỹ. Đã tận tình giúp đỡ chồng tôi. Biết bao những giọt mồ hôi. ... Bác sỹ mổ, hiền khô, tâm đức Lời ngọt ngào an ủi bệnh nhân Còn hơn cả những người thân Tâm tình, gần gũi những lần vào thăm.