Loại thuốc
Kích thích chọn lọc thụ thể beta2-adrenergic, tác dụng kéo dài.
Chỉ định
Hen phế quản: Formoterol sử dụng phối hợp với các thuốc kiểm soát hen lâu dài (ví dụ corticoid dạng hít) được chỉ định để điều trị hen và ngăn ngừa co thắt phế quản ở người lớn và trẻ em trên 5 tuổi, bị bệnh tắc nghẽn đường thở có hồi phục, bao gồm cả những người bệnh có triệu chứng hen ban đêm. Điều trị duy trì cho người bệnh bị tắc nghẽn đường thở mạn tính, bao gồm cả viêm phế quản và khí thũng. Ngăn ngừa co thắt phế quản do gắng sức ở người lớn và trẻ em trên 5 tuổi, chỉ sử dụng khi cần
Chống chỉ định
Không dùng cho những người quá mẫn với formoterol hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc hoặc các thuốc chủ vận beta2 khác. Chống chỉ định sử dụng formoterol cho người bệnh hen mà không dùng đồng thời các thuốc kiểm soát hen lâu dài như corticoid dạng hít. Không sử dụng formoterol là thuốc điều trị chính cho các trường hợp lên cơn hen, hen cấp tính hoặc giai đoạn cấp của tắc nghẽn đường thở mạn tính cần được điều trị tích cực.
Liều dùng và cách dùng
Cách dùng
Dùng thuốc theo đường hít qua miệng.
Liều lượng
Hen phế quản: Liều cho người lớn và trẻ em trên 5 tuổi: 12 microgam (1 viên nang)/lần, 2 lần/ngày vào sáng và tối. Liều tối đa: 24 microgam, 2 lần/ngày. Dùng phối hợp với corticoid đường hít.
Điều trị duy trì cho các bệnh nhân bị tắc nghẽn đường thở mạn tính (bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên): Viên nang để hít: 12 microgam (1 viên nang)/lần, 2 lần/ngày vào sáng và tối. Liều tối đa: 24 microgam, 2 lần/ngày. Dung dịch để hít: 20 microgam/lần, 2 lần/ngày. Liều tối đa: 40 microgam, 2 lần/ngày.
Ngăn ngừa co thắt phế quản do gắng sức: Liều cho người lớn và trẻ em trên 5 tuổi: 12 - 24 microgam, 15 - 30 phút trước khi thực hiện hoạt động gắng sức.
Thận trọng
Với người bệnh hen là trẻ em hoặc thanh thiếu niên, nên sử dụng chế phẩm phối hợp cố định liều dạng hít của formoterol với một corticoid để đảm bảo tuân thủ điều trị tốt.
Không bắt đầu điều trị bằng formoterol cho người bệnh hen hoặc tắc nghẽn đường thở mạn tính đang tiến triển bệnh xấu đi. Formoterol không được chỉ định cho các triệu chứng hen hoặc co thắt phế quản cấp tính.
Không sử dụng formoterol cho những người bệnh hen đã kiểm soát được bệnh với corticoid liều thấp hoặc trung bình. Sử dụng formoterol đường hít làm tăng nguy cơ tử vong hoặc các sự cố nghiêm trọng liên quan đến hen phế quản (co thắt phế quản nghịch lý, cơn bộc phát hen dữ dội).
Thận trọng khi sử dụng formoterol cho người bị bệnh tim mạch (như thiếu máu cục bộ cơ tim, loạn nhịp tim hay phình mạch, suy tim nặng, tăng huyết áp nặng chưa được kiểm soát), người bệnh bị co giật, đái tháo đường hoặc nhiễm toan ceton, u tế bào ưa crom, nhiễm độc tuyến giáp, người bệnh có đáp ứng bất thường với các amin cường giao cảm, do nguy cơ làm bệnh trầm trọng hơn.
Không được phối hợp formoterol với các thuốc kích thích thụ thể beta2 tác dụng kéo dài khác.
Không sử dụng thuốc quá liều tối đa được khuyến cáo do các trường hợp tử vong đã được ghi nhận.
Đã ghi nhận những trường hợp phản ứng quá mẫn khi sử dụng formoterol (bao gồm phản ứng phản vệ, mày đay, phù mạch, ban da và co thắt phế quản).
Do chế phẩm bột để hít có chứa protein sữa, cần thận trọng với bệnh nhân bị dị ứng protein sữa nghiêm trọng. Tương tự như các thuốc kích thích thụ thể beta2 khác, formoterol có thể gây giảm kali huyết đáng kể.
Phải đặc biệt thận trọng trong hen nặng do nguy cơ này tăng lên khi giảm oxygen mô.
Sử dụng đồng thời với các dẫn chất xanthin, các steroid hoặc các thuốc lợi tiểu cũng làm tăng nguy cơ giảm kali huyết. Cần giám sát nồng độ kali huyết trong những trường hợp này.
Formoterol có tác dụng không mong muốn là run, đánh trống ngực làm ảnh hưởng đến khả năng lái xe hoặc điều khiển máy móc. Không sử dụng thuốc cho trẻ có dung tích thở dưới 16 lít/phút do không phát huy được hiệu quả của thuốc dùng đường hít. Độ an toàn và hiệu quả lâm sàng của dạng dung dịch để hít chưa được xác lập ở trẻ dưới 18 tuổi và của dạng bột để hít chưa được xác lập ở trẻ dưới 5 tuổi. Không cần hiệu chỉnh liều thuốc khi dùng cho người cao tuổi, bệnh nhân suy gan hoặc suy thận.
Tác dụng không mong muốn ( ADR)
Thường gặp, ADR > 1/100
Tim mạch: Đánh trống ngực, đau ngực.
Thần kinh trung ương: Lo âu, chóng mặt, sốt, mất ngủ, khó phát âm, nhức đầu.
Da: Ngứa, ban da. Tiêu hóa: Tiêu chảy, buồn nôn, khô miệng, nôn, đau bụng, khó tiêu, viêm dạ dày ruột.
Thần kinh cơ và xương: Co cứng cơ, run.
Hô hấp: Nhiễm khuẩn, hen trầm trọng hơn, viêm phế quản, viêm họng, viêm xoang, khó thở, viêm amindan.
Ít gặp, ADR < 1/100, giới hạn ở các phản ứng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng:
Tình trạng hen xấu đi cấp tính, phản ứng phản vệ (hạ huyết áp trầm trọng, phù mạch), tình trạng kích thích, đau ngực, loạn nhịp tim, co thắt phế quản nghịch lý, mệt, tăng đường huyết, tăng huyết áp, hạ kali huyết, không dung nạp glucose, khó chịu, nhiễm toan chuyển hóa, nhịp tim nhanh
Dược lý và cơ chế tác dụng
Formoterol là một thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài, có tác dụng kích thích chọn lọc thụ thể beta2-adrenergic chủ yếu được tìm thấy trên cơ trơn phế quản. Formoterol có cấu trúc và tác dụng dược lý tương tự các thuốc kích thích chọn lọc thụ thể beta2 khác như salmeterol, albuterol. Thuốc làm tăng nồng độ cyclic-3’,5’- adenosin monophosphat (AMP vòng) nhờ kích thích adenylcyclase nội bào là chất xúc tác chuyển adenosin triphosphat (ATP) thành AMP vòng. Nồng độ AMP vòng tăng lên làm giãn cơ trơn phế quản và ức chế giải phóng các chất trung gian gây phản ứng quá mẫn tức thì (như histamin, leukotrien). Các dữ liệu hiện có cho thấy formoterol có thời gian xuất hiện tác dụng ngắn hơn nhưng độ dài tác dụng và hiệu quả giãn phế quản tương tự như salmeterol. Sau khi hít một liều đơn, tác dụng giãn phế quản của thuốc xuất hiện trong vòng 1 đến 3 phút, tác dụng tối đa sau 2 giờ và kéo dài tác dụng trong khoảng 12 giờ.
Dược động học
Sau khi hít, formoterol nhanh chóng được hấp thu, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau khoảng 5 đến 10 phút. Tỉ lệ liên kết với protein huyết tương của thuốc là 61 - 64%. Thuốc được chuyển hóa chủ yếu nhờ glucuronyl hóa trực tiếp; O-demethyl hóa (liên quan đến CYP2D6, CYP2C19, CYP2C9 và CYP2A6 của gan) và liên hợp glucuronyl. Hoạt chất ban đầu và các chất chuyển hóa được thải trừ hoàn toàn khỏi cơ thể: Khoảng 2/3 liều dùng theo đường miệng được thải trừ qua nước tiểu và 1/3 được thải trừ qua phân. Sau khi hít, khoảng 6 - 9% liều hít được bài xuất dưới dạng không đổi qua nước tiểu. Độ thanh thải thận của formoterol là 150 ml/phút. Nửa đời thải trừ sau khi hít thuốc được ước tính là khoảng 10 giờ. Không rõ thuốc có bị thải loại bởi thẩm tách máu hay không.
Thời kì mang thai
Chưa có các nghiên cứu đầy đủ và có đối chứng của formoterol được thực hiện trên phụ nữ có thai. Chỉ sử dụng formoterol cho phụ nữ mang thai sau khi cân nhắc kỹ, thấy lợi ích vượt trội nguy cơ. Thuốc có ảnh hưởng đến co thắt tử cung, vì vậy cần cân nhắc lợi ích nguy cơ khi sử dụng trong quá trình chuyển dạ
Thời kì cho con bú
Không rõ thuốc có bài tiết vào sữa mẹ hay không. Nên tránh sử dụng formoterol cho phụ nữ nuôi con bú.
Tương tác thuốc
Hết sức thận trọng khi dùng formoterol đồng thời với các thuốc có thể làm kéo dài khoảng QT như kháng histamin (terfenadin, astemizol, mizolastin), thuốc chống loạn nhịp (quinidin, disopyramid, procainamid), erythromycin, thuốc chống trầm cảm ba vòng do nguy cơ loạn nhịp thất.
Sử dụng formoterol đồng thời với IMAO hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng làm tăng tác dụng của thuốc kích thích beta2 đối với hệ tim mạch. Vì vậy cần thận trọng khi sử dụng formoterol đồng thời hoặc trong vòng 2 tuần sau khi ngừng sử dụng IMAO hoặc thuốc chống trầm cảm 3 vòng.
Dùng phối hợp với dẫn chất xanthin, steroid hoặc thuốc lợi tiểu có thể làm tăng tác dụng hạ kali huyết của thuốc kích thích beta2. Giảm kali huyết có thể làm tăng nhạy cảm đối với loạn nhịp tim ở người dùng digitalis. Dùng formoterol với các thuốc giống giao cảm theo bất cứ đường dùng nào cũng có nguy cơ làm hiệp đồng tác dụng dược lý và tác dụng không mong muốn, cần thận trọng.
Các thuốc chẹn beta (ngay cả ở dạng thuốc nhỏ mắt) có thể làm giảm hoặc đối kháng tác dụng của formoterol.
Lựa chọn thuốc chẹn thụ thể beta chọn lọc trên tim nếu cần sử dụng đồng thời với formoterol.
Dùng đồng thời formoterol với các khí gây mê halogen làm tăng nguy cơ loạn nhịp tim.
Quá liều và xử trí
Quá liều formoterol có thể gây tác dụng không mong muốn đặc trưng của thuốc kích thích beta2-adrenergic như buồn nôn, nôn, nhức đầu, run, ngủ gà, đánh trống ngực, tim đập nhanh, loạn nhịp thất, tăng giảm huyết áp, nhiễm acid chuyển hóa, giảm kali huyết và tăng glucose huyết.
Xử trí quá liều: Điều trị hỗ trợ và triệu chứng, theo dõi các dấu hiệu sinh tồn. Có thể sử dụng các thuốc chẹn beta chọn lọc trên tim nhưng cần hết sức thận trọng. Theo dõi nồng độ kali huyết
Độ ổn định và bảo quản
Giữ thuốc nguyên trong bao bì ban đầu. Bảo quản ở nhiệt độ dưới 30 o C, tránh nóng và ẩm. Chỉ lấy thuốc ra khỏi bao bì ngay trước khi sử dụng
Tài liệu tham khảo
Dược thư Quốc Gia Việt Nam.