Gliclazid

Gliclazid

Thông tin giới thiệu dưới đây dành cho các cán bộ y tế dùng để tra cứu, sử dụng trong công tác chuyên môn hàng ngày. Đối với người bệnh, khi sử dụng cần có chỉ định/ hướng dẫn sử dụng của bác sĩ/ dược sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Loại thuốc

Loại thuốc

Thuốc chống đái tháo đường, dẫn chất sulfonylurê

Chỉ định

Chỉ định

Đái tháo đường không phụ thuộc insulin (typ 2) ở người lớn khi không còn kiểm soát được glucose huyết bằng chế độ ăn, luyện tập thể lực và giảm cân

Chống chỉ định

Chống chỉ định

Đái tháo đương phụ thuộc insulin (typ 1).

Hôn mê hoặc tiền hôn mê do đái tháo đường, nhiễm toan ceton do đái tháo đường.

Nhiễm khuẩn nặng, chấn thương nặng, phẫu thuật lớn.

Suy gan hoặc suy thận nặng (trong những trường hợp này khuyến cáo dùng insulin).

Có tiền sử dị ứng với gliclazid hoặc với một thành phần của chế phẩm hoặc với các sulfonylurê khác hoặc với các sulfamid.

Điều trị phối hợp miconazol (xem mục Tương tác). Phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú.

Liều dùng và cách dùng

Liều dùng và cách dùng

Liều gliclazid phải phù hợp với từng trường hợp cụ thể và phải dựa vào nồng độ glucose huyết của người bệnh. Với dạng viên nén thông thường, liều khởi đầu thường là 40 - 80 mg uống một lần vào lúc ăn sáng rồi tăng dần nếu cần, lên tới tối đa là 320 mg/ngày. Liều vượt quá 160 mg/ngày, phải chia làm 2 lần. Nếu liều hôm trước quên không uống, không bao giờ được uống tăng liều để bù. Trường hợp dùng dạng viên nén giải phóng kéo dài (Biệt dược: Diamicron MR 30 mg) thì một viên giải phóng kéo dài 30 mg tương đương với một viên nén 80 mg thông thường. Liều khởi đầu của viên Diamicron MR 30 mg là 30 mg mỗi ngày (1 viên). Nếu việc kiểm soát glucose huyết đã đạt thì có thể coi đó là liều duy trì. Nếu việc kiểm soát glucose huyết chưa đạt, thì có thể tăng dần liều lên là 60 mg (2 viên), 90 mg (3 viên), 120 mg (4 viên)/ngày theo từng nấc, cách nhau tối thiểu 1 tháng một lần, trừ những người bệnh mà glucose huyết không có đáp ứng giảm sau 2 tuần điều trị. Trường hợp đó, có thể tăng liều ngay sau tuần điều trị thứ 2. Liều tối đa của Diamicron MR 30 mg là 120 mg (4 viên) mỗi ngày. Các viên Diamicron MR 30 mg phải nuốt cả viên, không nhai. Gliclazid có thể phối hợp với metformin hoặc với các chất ức chế α-glucosidase (thí dụ acarbose) hoặc với insulin. Khi điều trị phối hợp với insulin, cần có sự giám sát của thầy thuốc.

Mục tiêu điều trị đái tháo đường tùy thuộc vào từng đối tượng. Nhìn chung là giảm glucose huyết lúc đói xuống dưới 7 mmol/lít, glucose huyết sau ăn xuống dưới 10 mmol/lít và glycosylat hemoglobin (HbA1c) xuống dưới 7% (ở người bình thường là 4 - 6%). HbA1c-glycated hemoglobin là một dạng của hemoglobin, là chỉ số xác định mức đường huyết trung bình trong cơ thể và vì thế HbA1c được xem là chỉ số phản ánh tình trạng glucose máu trong 2 - 3 tháng gần đây. HbA1c rất có giá trị trong việc theo dõi, đánh giá hiệu quả của điều trị và được sử dụng như một chỉ số dự báo về nguy cơ phát triển các biến chứng mạch máu nhỏ ở người đái tháo đường (bệnh lý thần kinh, bệnh lý võng mạc, bệnh lý thận). Biến chứng mạch máu nhỏ trong bệnh đái tháo đường là nguyên nhân chính của mù lòa và suy thận. Sau khi điều trị và dò liều, cứ khoảng 3 tháng một lần cần xác định HbA1c để đánh giá đáp ứng của người bệnh và điều trị.

Thận trọng

Thận trọng

Người bệnh cần được hướng dẫn đầy đủ về bản chất của đái tháo đường và cần phải làm gì để phòng tránh và phát hiện các biến chứng. Gliclazid cũng như các sulfonylurê khác có thể gây hạ glucose huyết (lượng glucose trong máu hạ xuống dưới 60 mg/dl tương đương 3,5mmol/lít). Hạ glucose huyết có thể xảy ra khi dùng thuốc quá liều, ăn uống không đầy đủ, thất thường, bỏ bữa, luyện tập nặng nhọc kéo dài, uống rượu… Hạ glucose huyết thường xảy ra phổ biến hơn ở người cao tuổi, người suy thận, suy gan. Khi bị hạ glucose huyết, cần tiến hành như trong mục Quá liều và xử trí. Người bệnh đang ổn định với chế độ điều trị bằng gliclazid có thể trở nên không kiểm soát được glucose huyết khi bị stress (chấn thương, phẫu thuật, nhiễm khuẩn, sốt cao). Trong những trường hợp này, có thể cần phải dùng insulin, phối hợp với gliclazid hoặc dùng đơn độc insulin thay cho gliclazid.

Người thiếu hụt enzym glucose 6 phosphat dehydrogenase (G6PD).

Tác dụng không mong muốn ( ADR)

Tác dụng không mong muốn ( ADR)

Thường gặp: ADR > 1/100

TKTW: Đau đầu.

Tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa, buồn nôn.

Da: Phát ban.

Ít gặp: 1/1 000 < ADR < 1/100

Rối loạn máu (thường hồi phục): Giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, thiếu máu.

Da: Phản ứng da, niêm mạc.

Hiếm gặp: ADR < 1/1 000

TKTW: Trạng thái lơ mơ, vã mồ hôi.

Tim mạch: Tăng tần số tim.

Da: Tái xanh.

Tiêu hóa: Nôn, đói cồn cào.

Dược lý và cơ chế tác dụng

Dược lý và cơ chế tác dụng

Gliclazid là một thuốc chống đái tháo đường typ 2 (không phụ thuộc insulin), nhóm sulfonylurê, dạng uống. Tác dụng chủ yếu của gliclazid là kích thích tế bào beta tuyến tụy giải phóng insulin, vì vậy thuốc chỉ có tác dụng khi tụy của người bệnh còn hoạt động (còn khả năng sản xuất insulin). Gliclazid thường được chỉ định kết hợp với chế độ ăn, luyện tập thể lực. Gliclazid được dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc hạ glucose huyết khác như metformin, insulin. 

Dược động học 

Gliclazid dễ dàng hấp thu qua đường tiêu hóa. Nồng độ đỉnh của thuốc trong huyết tương đạt sau khi uống khoảng 2 - 4 giờ. Thức ăn không làm thay đổi tốc độ và mức độ hấp thu. Thuốc gắn mạnh với protein huyết tương (85 - 95%). Thời gian tác dụng kéo dài 12 giờ hoặc hơn. Gliclazid được chuyển hóa chủ yếu ở gan thành những sản phẩm không còn hoạt tính. Thuốc chưa biến đổi và các chất chuyển hóa đào thải chủ yếu qua nước tiểu (60 - 70%), khoảng 10 - 20% qua phân ở dạng chuyển hóa. Nửa đời thải trừ của gliclazid khoảng 10 - 12 giờ.

Thời kì mang thai

Thời kì mang thai

Không dùng gliclazid. Người đang dùng gliclazid mà có thai, phải báo ngay cho thầy thuốc để chuyển sang dùng insulin.

Thời kì cho con bú

Thời kì cho con bú

Không nên dùng gliclazid cũng như các sulfonylurê khác trong thời kỳ cho con bú vì hạ glucose huyết có thể xảy ra ở trẻ nhỏ. Nếu bắt buộc phải dùng gliclazid thì phải ngừng cho con bú.

Tương tác thuốc

Tương tác thuốc

Sự phối hợp với một số thuốc có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng của gliclazid. 

Tăng tác dụng hạ glucose huyết: Có thể xảy ra tình trạng hạ glucose huyết quá mức khi gliclazid được dùng cùng với các thuốc sau: Miconazol (dùng đường toàn thân và gel bôi miệng): Không được dùng miconazol khi người bệnh đang được điều trị bằng gliclazid: Tác dụng hạ glucose huyết tăng có thể dẫn đến xuất hiện các biểu hiện hạ glucose huyết nặng, thậm chí hôn mê.  Phenylbutazon, rượu, các đồ uống có rượu, các thuốc chứa rượu: Không nên phối hợp.  Các thuốc chống đái tháo đường khác (insulin, acarbose, biguanid), các thuốc chẹn beta, fluconazol, các chất ức chế enzym chuyển (captopril, enalapril), các chất đối kháng thụ thể H2, các IMAO, sulfonamid và các thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Cần thận trọng khi dùng phối hợp. 

Giảm tác dụng hạ glucose huyết: Vì vậy có thể làm tăng glucose huyết. 

Danazol: Có tác dụng gây đái tháo đường, không nên dùng khi đang điều trị bằng gliclazid. Nếu không thể tránh được phối hợp này, thì phải thông báo trước cho người bệnh và tăng cường kiểm tra glucose huyết. Có thể điều chỉnh liều của thuốc chữa đái tháo đường trong thời gian điều trị danazol và sau khi ngừng thuốc này. Clorpromazin (thuốc an thần kinh) liều cao (trên 100 mg mỗi ngày): Tăng glucose huyết (giảm giải phóng insulin). Thông báo cho người bệnh và tăng cường kiểm tra glucose huyết). Nếu cần, điều chỉnh liều của thuốc chống đái tháo đường trong thời gian điều trị thuốc an thần kinh và sau khi ngừng thuốc này.

Các glucocorticoid (đường toàn thân và tại chỗ trong khớp, bôi trên da và thụt trực tràng) và tetracosactid: Tăng glucose huyết (do giảm dung nạp glucose bởi các corticoid). Thông báo cho người bệnh và tăng cường kiểm tra glucose huyết, nhất là khi bắt đầu điều trị. Điều chỉnh liều của thuốc chống đái tháo đường, nếu cần thiết, trong và sau khi ngừng dùng corticoid. 

Ritodrin, salbutamol, terbutalin (đường tĩnh mạch): Tăng glucose huyết bởi các chất kích thích beta2. Tăng cường kiểm tra glucose huyết. Nếu cần, có thể chuyển sang dùng insulin.

Phối hợp cần lưu ý: Các thuốc chống đông máu (warfarin…). Các sulfonylurê có thể dẫn đến tăng tác dụng chống đông máu trong khi điều trị. Có thể cần phải điều chỉnh liều của thuốc chống đông.  

Quá liều và xử trí

Quá liều và xử trí

Triệu chứng:

Vô tình hay cố ý dùng quá liều sẽ dẫn đến những dấu hiệu hạ glucose huyết như vã mồ hôi, da tái xanh, tim đập nhanh, cảm giác đói cồn cào; các triệu chứng liên quan đến thiếu oxy não bao gồm đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, lo lắng, hồi hộp. Nặng: lơ mơ, buồn ngủ, co giật, hôn mê dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Xử trí:

Trường hợp nhẹ, điều trị hạ glucose huyết bằng cách cho uống ngay glucose hoặc đường 20 - 30 g hòa vào một cốc nước và theo dõi glucose huyết. Cứ sau 15 phút lại cho uống một lần cho đến khi glucose huyết trở về bình thường. Trường hợp nặng người bệnh hôn mê hoặc không uống được, phải cho nhập viện cấp cứu và tiêm tĩnh mạch ngay 50 ml dung dịch glucose 20 - 30%, sau đó phải truyền tĩnh mạch chậm dung dịch glucose 10% để tăng dần glucose huyết lên đến giới hạn bình thường. Cần theo dõi liên tục glucose huyết đến 24 - 48 giờ vì rất dễ xuất hiện hạ glucose huyết tái phát. Nếu quá nặng có thể tiêm dưới da hoặc bắp thịt 1 mg glucagon.

Độ ổn định và bảo quản

Độ ổn định và bảo quản

Bảo quản ở nhiệt độ dưới 30 oC.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu tham khảo

Dược thư Quốc Gia Việt Nam.

Video giới thiệu

[hQJ_oLsiqSs]
Góc tri ân

Thư cảm ơn Khoa Tai Mũi Họng

Trước đây, Cô là bệnh nhân luôn mang trong mình tâm lý lo sợ về bệnh tật. Nhưng từ khi được điều trị phẫu thuật và chăm sóc tại Khoa Tai Mũi Họng, Cô đã cảm giác được không khí ấm áp, chu đáo của các Bác sĩ nhân viên nơi đây, Cô thấy mình như đang được điều trị ở nhà... Chúc các con luôn nhiều sức khỏe và tinh thần an lạc..Ngày đến đêm luôn niềm nở ân cần, luôn đứng vững để sáng ngời y đức. (Cô. Nguyễn Thị Tuyết Hương).

Cảm ơn toàn bộ Bác sĩ và nhân viên bệnh viện !

Tôi bị u xơ và được các bác sĩ chỉ định mổ tại bệnh viện, do hoàn cảnh cá nhân không có người nhà đi kèm, tôi tự đi khám và mổ một mình, tâm trạng rất lo lắng, căng thẳng. Nhưng được sự thấu hiểu tâm lý yêu thương của các bác sĩ, các nữ hộ sinh và nhân viên ê kip mổ gây mê hồi sức,... đã giúp tôi an tâm, tin tưởng kết quả là sức khỏe, thể trạng và tinh thần tôi rất tốt, ổn định, vui vẻ, Tôi luôn biết ơn sự yêu thương người bệnh của tập thể bác sỹ bệnh viên mình, nhân viên tận tâm, nhiệt tình, yêu nghề,...dẫu thời gian ở bệnh viện không lâu nhưng đủ những cảm xúc tôi không thể nào quên, Xin chúc tất cả bác sĩ ngày càng yêu nghề, BV ĐHYD CS2 ngày càng phát triển,..Tôi xin chân thành cảm ơn (Nguyễn Thị Ánh Ngân).

Trân trọng cảm ơn sự tận tình, chăm sóc điều trị

Trong thời gian người nhà chúng tôi điều trị tại đây, chúng tôi đã nhận được sự tận tình chăm sóc, điều trị của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng của Đơn vị Chấn thương Chỉnh hình, Đặc biệt xin cảm ơn đến ekip phẫu thuật...sự tận tâm này đã xua tan những nỗi đau và nỗi lo cho Má tôi là bà Huỳnh Thị Dung. Xin trân trọng cảm ơn bệnh viện đã tổ chức tốt một nơi khám chữa bệnh. Xin kính chúc toàn thể đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế nhiều sức khỏe.(Nguyễn Tấn Hưng).

Lời thơ thay lời cảm ơn

Gửi tặng ê- kíp Bác sỹ các y tá, điều dưỡng của Khoa Ngoại Tổng hợp BV Đại học Y Dược Cơ sở 2 TP.HCM thay lời cảm ơn Rất xúc động trước tấm lòng Bác sỹ. Đã tận tình giúp đỡ chồng tôi. Biết bao những giọt mồ hôi. ... Bác sỹ mổ, hiền khô, tâm đức Lời ngọt ngào an ủi bệnh nhân Còn hơn cả những người thân Tâm tình, gần gũi những lần vào thăm.