TS.BS Vũ Trí Thanh-ThS.BS Nguyễn Khánh Quang
1. Định nghĩa
- Hôi nách là một hiện tượng do tuyến mồ hôi của tiết ra và gây mùi khó chịu. Mồ hôi xuất hiện nhiều ở vùng nách có thể do cơ địa của mỗi người hoặc do quá trình hoạt động, làm việc. Đặc biệt tại những khu vực dễ tiết ra nhiều mồ hôi như bộ phận sinh dục, nách,… rất dễ gây ra mùi. Bởi trong mồ hôi của người có chứa nhiều protein và chất béo khiến cho vi khuẩn phát triển nhiều, phân hủy, từ đó gây ra mùi khó chịu.
- Bệnh có thể xuất hiện ở các đối tượng khác nhau, kể cả nam giới và nữ giới. Tuy nhiên độ tuổi dễ mắc phải nhất đó là thời điểm dậy thì bởi vì trong giai đoạn này nội tiết tố trong cơ thể có sự thay đổi mạnh mẽ. (1), (2)
2. Nguyên nhân
Tuyến mồ hôi được chia làm hai loại:
- Tuyến mồ hôi nhỏ (eccrine): phân bố khắp cơ thể, có nhiệm vụ đào thải các chất cặn bã, điều hoà thân nhiệt, thải ra 99% nước và 0,5% muối.
- Tuyến mồ hôi lớn (apocrine): nằm ở lớp dưới da, sẽ mở ra ở các lỗ chân lông tuyến này chỉ phân bố ở nách, âm hộ và lông mày, thải ra chất lỏng khá đặc, có chứa lipid, protein và sắt, có chức năng làm cho da trơn và láng mịn. Các chất này khi bị vi khuẩn phân hủy sẽ tạo thành một loại axit béo không bão hòa có mùi khó ngửi được gọi là mùi hôi nách. Mức độ chế tiết của tuyến mồ hôi càng nhiều và vi khuẩn hoạt động càng mạnh thì mùi càng nặng.
Nguyên nhân của việc chế tiết quá mức tuyến mồ hôi còn chưa rõ, có thể do tăng kích thích của thần kinh giao cảm tới tuyến mồ hôi, do chuyển hóa, do bệnh lý toàn thân. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp tăng chế tiết tuyến mồ hôi lại xảy ra ở người khỏe mạnh.
3. Điều trị
3.1 Điều trị nội khoa
- Thuốc kháng mồ hôi: Aluminum Chlorohydrate 10% - 20%, bôi vào nách hàng ngày. Thuốc có tác dụng làm giảm mùi hôi, nhưng không ngăn cản được chế tiết mồ hôi, gây kích ứng tại chỗ.
- Thuốc kháng cholinergic: propranolol, glycopyrrolate. Thuốc có tác dụng làm giảm tiết mồ hôi bằng cách ngăn ngừa sự kích thích của thần kinh giao cảm tới tuyến mồ hôi. Thuốc này ít tác dụng trong điều trị hôi nách. Tác dụng không mong muốn có thể gặp như khô miệng, hoa mắt, chóng mặt, táo bón, giãn đồng tử… (3), (4)
- Botox: Botulinum toxin type A (Botox) tiêm trong da vùng nách có tác dụng ngăn cản sự kích thích của thần kinh giao cảm tới tuyến mồ hôi. Tác dụng phụ gây đau vùng tiêm, gây hội chứng giả cúm.
- Liệu pháp ion hóa: có tác dụng ức chế tiết mồ hôi, có hiệu quả trong điều trị tăng tiết mồ hôi ở tay và chân, nhưng ít hiệu quả điều trị hôi nách. Tác dụng phụ gây kích ứng da, bỏng da. (5)
3.2 Phẫu thuật
- Cắt hạch giao cảm ngực bằng nội soi: dùng kỹ thuật nội soi để cắt bỏ hạch giao cảm ngực 3, ngực 4 với mục đích giảm tiết mồ hôi ở vùng nách. Nhược điểm của kỹ thuật này là cần gây mê toàn thân, có thể gây tràn khí màng phổi, tràn khí dưới da, ảnh hưởng các cấu trúc bên trong lồng ngực. Sau phẫu thuật mồ hôi ở nách giảm tiết, bàn tay khô và có thể tăng tiết mồ hôi bù trừ ở ngực, lưng, bụng. Tuy nhiên tuyến mồ hôi ở vùng nách vẫn còn nên hiệu quả điều trị chưa cao.
- Cắt bỏ một phần da vùng nách: mục tiêu của kỹ thuật là làm giảm số lượng tuyến mồ hôi. Nhược điểm của kỹ thuật là gây sẹo lớn.
- Hút mỡ vùng nách: kỹ thuật có tác dụng cắt đứt thần kinh giao cảm tới tuyến mồ hôi. Nó chỉ có tác dụng tạm thời vì trong vòng 6 tháng thần kinh tới tuyến mồ hôi được tái lập.
- Kỹ thuật loại bỏ tuyến mồ hôi bằng phương pháp Skoog cải tiến: sử dụng phương pháp nạo bỏ toàn bộ tuyến mồ hôi vùng nách. Đạt hiệu quả điều trị lên đến trên 95%. Hiện nay phương pháp này đang rất được ưa chuộng do tính thẩm mỹ, hiệu quả tức thì và lâu dài của nó.
Tài liệu tham khảo
1. BuimerMG,WobbesT,KlinkenbijlJH.Hidradenitissuppurativa.BrJSurg.2009;
2. Shelley WB, Levy EJ. Histologic observations on the human apocrine sweat gland in health and disease. J Invest Dermatol.
3. EllisLZ.Hidradenitissuppurativa:surgicalandothermanagementtechniques.DermatolSurg.2012
4. FardetL,DupuyA,KerobD,etal.Infliximabforseverehidradenitissuppurativa:Transientclinicalefficacyin7consecutive patients. J Am Acad Dermatol. 2007
5. LapinsJ,SartoriusK,EmtestamL.Scannerassistedcarbondioxidelasersurgery:Aretrospectivefollow-upstudyofpatients with hidradenitis suppurativa. J Am Acad Dermatol. 2002;47:280–285.