Thứ Sáu, 23 tháng 05 năm 2025
Thứ năm, 22/05/2025
Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới, chiếm khoảng 32% tổng số ca ung thư mới hàng năm ở phụ nữ tại Việt Nam (theo GLOBOCAN 2020). Tỷ lệ mắc mới ước tính khoảng 34 trường hợp trên 100.000 phụ nữ mỗi năm, và đang tiếp tục tăng do ảnh hưởng của lối sống hiện đại, đô thị hóa và xu hướng sinh sản muộn.
Điều đáng lưu ý là xu hướng trẻ hóa rõ rệt: ngày càng nhiều bệnh nhân ung thư vú được chẩn đoán ở độ tuổi dưới 40 – nhóm tuổi vốn ít được tầm soát định kỳ. Đây là một cảnh báo quan trọng cho y tế dự phòng và cộng đồng.
YẾU TỐ DI TRUYỀN VÀ TIỀN SỬ GIA ĐÌNH
Một trong những yếu tố nguy cơ mạnh mẽ nhất là tiền sử ung thư vú trong gia đình, đặc biệt nếu có:
+ Mẹ, chị/em gái, hoặc con gái mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng,
+ Có từ hai người thân trực hệ bị ung thư vú, hoặc một người mắc ở tuổi < 40,
+ Có người thân mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2.
+ Phụ nữ mang đột biến BRCA1 có nguy cơ mắc ung thư vú lên tới 55 – 65% suốt đời, còn BRCA2 là khoảng 45%. Những đột biến này còn làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng, tụy và tuyến tiền liệt ở nam giới.
Ngày nay, việc xét nghiệm gen đột biến BRCA1/2 đã trở thành công cụ quan trọng trong đánh giá nguy cơ, giúp cá nhân hóa tầm soát và điều trị, kể cả lựa chọn dự phòng như phẫu thuật cắt tuyến vú hoặc buồng trứng phòng ngừa ở người mang đột biến.
CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ KHÁC
Ngoài yếu tố di truyền, ung thư vú còn liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ tích lũy theo thời gian, bao gồm:
+ Tuổi càng cao, nguy cơ càng tăng (đa số ca bệnh xuất hiện sau 50 tuổi)
+ Dậy thì sớm (<12 tuổi) hoặc mãn kinh muộn (>55 tuổi),
+ Không sinh con hoặc sinh con đầu lòng muộn (>30 tuổi),
+ Không cho con bú,
+ Sử dụng liệu pháp hormone thay thế kéo dài sau mãn kinh,
+ Thừa cân – béo phì, đặc biệt sau mãn kinh (do tăng estrogen ngoại vi từ mô mỡ),
+ Lối sống tĩnh tại, tiêu thụ rượu, ăn nhiều mỡ động vật,
+ Phơi nhiễm bức xạ vùng ngực (thường ở bệnh nhân điều trị lymphoma trước đây).
ĐIỀU TRỊ - MỘT CHIẾN LƯỢC ĐA MÔ THỨC VÀ CÁ THỂ HÓA
Dựa trên thể mô học, giai đoạn bệnh, tình trạng thụ thể nội tiết và HER2, hướng điều trị ung thư vú bao gồm:
+ Phẫu thuật (cắt u bảo tồn hoặc cắt tuyến toàn phần ± nạo hạch),
+ Xạ trị, đặc biệt sau bảo tồn vú hoặc có hạch dương tính,
+ Hóa trị: lựa chọn dựa trên chỉ số Ki-67, thụ thể nội tiết, tình trạng HER2 và nguy cơ tái phát,
+ Nội tiết trị liệu: tamoxifen, nhóm ức chế aromatase (AI) trong các khối u ER/PR+,
+ Liệu pháp nhắm trúng đích: trastuzumab (Herceptin), pertuzumab… cho HER2+.
Mỗi phác đồ đều được thiết kế dựa trên đặc điểm sinh học của khối u và yếu tố nguy cơ của từng người bệnh, nhằm tối ưu hóa hiệu quả điều trị và giảm thiểu độc tính.
TẦM SOÁT SỚM - NỀN TẢNG CỦA PHÒNG BỆNH CHỦ ĐỘNG
Hiện nay, tầm soát ung thư vú được khuyến nghị như sau:
+ Tự khám vú hàng tháng, bắt đầu từ tuổi 20,
+ Siêu âm vú mỗi 6–12 tháng cho phụ nữ <40 tuổi có nguy cơ cao,
+ Nhũ ảnh hàng năm từ tuổi 40 trở lên, hoặc sớm hơn nếu có yếu tố gia đình.
Theo ThS.BS Nguyễn Khánh Quang chuyên khoa Ngoại Lồng Ngực – Mạch máu – Bướu Cổ “ công tác tầm soát, chẩn đoán và điều trị ung thư vú tại bệnh viện được thực hiện theo mô hình liên chuyên khoa, bảo đảm tính chính xác và kịp thời trong từng quyết định điều trị; Chẩn đoán sớm – Điều trị kịp thời – Cải thiện tiên lượng. Hãy hành động ngay hôm nay vì sức khỏe của bạn và người thân yêu”.
Thông tin liên hệ: BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC - CƠ SỞ 2
Địa chỉ: 201 Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TPHCM
Tổng đài bệnh viện: 0283 9555548 – 0283 9555549.
Tổng đài Khoa Phụ Sản: 0283 8570757
Tổng đài đặt lịch khám: 1900 -2115
Fanpage: Bệnh viện Đại học Y Dược - Cơ sở 2
Thứ Sáu, 23 tháng 05 năm 2025
Ung thư Vú - Diện mạo đa hình của một loại ung thư phổ biến và những báo động từ dữ liệu dịch tễ