Simeticone

Simeticone

Thông tin giới thiệu dưới đây dành cho các cán bộ y tế dùng để tra cứu, sử dụng trong công tác chuyên môn hàng ngày. Đối với người bệnh, khi sử dụng cần có chỉ định/ hướng dẫn sử dụng của bác sĩ/ dược sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Loại thuốc

Loại thuốc

Chống đầy hơi

Chỉ định

Chỉ định

Hỗ trợ điều trị triệu chứng đầy hơi, trướng căng dạ dày chức năng và đau do đầy hơi sau mổ. Tự điều trị (không cần đơn thuốc) để chống đầy hơi, làm giảm triệu chứng khó chịu  do có quá nhiều khí trong đường tiêu hóa, như căng đường tiêu hóa trên, cảm giác nặng, đầy bụng, khó tiêu. Dùng trước khi nội soi dạ dày để làm mất các bóng khí, tăng khả năng nhìn rõ và dùng trước khi chụp X quang ruột để làm giảm các bóng khí.

Chống chỉ định

Chống chỉ định

Mẫn cảm với simeticon hoặc bất kỳ thành phần nào của chế phẩm. Thủng hoặc tắc ruột (đã biết hoặc nghi ngờ).

Liều dùng và cách dùng

Liều dùng và cách dùng

Simeticon dùng đường uống. Dạng viên nhai phải nhai kỹ trước khi nuốt. Dạng nang mềm chứa dịch lỏng không được nhai. Lắc kỹ dung dịch thuốc uống trước khi dùng. Uống thuốc vào sau các bữa ăn và lúc đi ngủ.

Liều thường dùng cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Mỗi lần 40 - 125 mg, ngày 4 lần. Khi tự điều trị, tổng liều không quá 500 mg mỗi ngày. Liều cao hơn (mỗi lần 250 mg, ngày 3 - 4 lần hoặc tới 2 g) có thể được dùng nếu có chỉ dẫn của thầy thuốc. Trẻ em 2 - 12 tuổi: Mỗi lần 40 mg, ngày 4 lần. Liều tối đa khi tự điều trị là 240 mg mỗi ngày. Trẻ em dưới 2 tuổi: Mỗi lần 20 mg, ngày 4 lần. Liều tối đa khi tự điều trị là 120 mg mỗi ngày. Trước khi nội soi dạ dày hoặc chụp X quang ruột, người lớn dùng một liều 67 mg simeticon trong 2,5 ml nước, dưới dạng hỗn dịch uống.

Thận trọng

Thận trọng

Không nên dùng simeticon để điều trị cơn đau bụng ở trẻ  em vì chưa có đủ thông tin về lợi ích và độ an toàn cho lứa tuổi này. Không dùng quá liều khuyến cáo. Tránh đồ uống có carbonat (soda hoặc nước ngọt) hoặc các thức ăn có thể làm tăng lượng khí trong dạ dày.

Tác dụng không mong muốn ( ADR)

Tác dụng không mong muốn ( ADR)

Chưa có tác dụng không mong muốn nào được báo cáo.

Dược lý và cơ chế tác dụng

Dược lý và cơ chế tác dụng

Simeticon là hỗn hợp polydimethylsiloxan và silicon dioxyd, có tác dụng chống tạo bọt.  Simeticon làm giảm sức căng bề mặt của các bọt khí, làm vỡ hoặc kết tụ chúng lại và bị tống ra ngoài, nhờ đó có tác dụng chống đầy hơi. Vì vậy simeticon có tác dụng làm giảm các triệu chứng do có quá nhiều khí ở đường tiêu hóa gây ra ở cả người lớn và trẻ em, như khi nuốt phải nhiều khí vào dạ dày hoặc có một số chất khí được tạo ra ở ruột do sự giáng hóa của những thức ăn không được tiêu hóa bởi các vi khuẩn ruột. Simeticon đã được chứng minh có tác dụng chống Helicobacter pylori. Nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) của simeticon đối với H. pylori từ 64 - 128 mg/lít, nồng độ này có thể đạt được ở dạ dày với liều điều trị. Có một số chế phẩm của simeticon phối hợp với thuốc kháng acid, thuốc chống co thắt hoặc các enzym tiêu hóa, nhưng sử dụng các chế phẩm phối hợp cố định này thường không có lý do xác đáng và các sản phẩm này chưa được đánh giá đầy đủ. Tuy nhiên, ở một số nước vẫn sử dụng chế phẩm simeticon phối hợp với thuốc kháng acid để làm giảm đầy hơi và có thể làm giảm được triệu chứng nấc.

Dược động học

Simeticon có tính trơ về sinh lý. Sau khi uống, thuốc không hấp thu qua đường tiêu hóa, cũng không cản trở bài tiết acid dạ dày hoặc hấp thu các chất dinh dưỡng. Simeticon được thải trừ dưới dạng không đổi trong phân.

Thời kì mang thai

Thời kì mang thai

Không rõ thuốc có qua được nhau thai hay không, nhưng do hấp thu của simethicon qua ruột bị hạn chế, điều đó làm giảm khả năng phơi nhiễm đối với thai nhi.

Thời kì cho con bú

Thời kì cho con bú

Không có báo cáo về dùng thuốc trong thời kỳ cho con bú hoặc đo lượng thuốc được bài tiết vào sữa. Không biết simeticon có được bài tiết vào sữa mẹ hay không cũng như không rõ khả năng gây ra các ADR ở trẻ bú mẹ. Cần cân nhắc nguy cơ/lợi ích khi sử dụng thuốc này cho bà mẹ đang cho con bú.

Tương tác thuốc

Tương tác thuốc

Levothyroxin: Dùng đồng thời levothyroxin và simeticon có thể làm giảm hấp thu levothyroxin, dẫn đến giảm hiệu quả của  levothyroxin, gây giảm năng tuyến giáp. Nếu dùng đồng thời hai thuốc này phải uống cách nhau ít nhất 4 giờ. Theo dõi mức TSH và/hoặc các đánh giá khác về chức năng tuyến giáp khi bắt đầu dùng hoặc khi ngừng dùng simeticon trong khi điều trị bằng levothyroxin.

Độ ổn định và bảo quản

Độ ổn định và bảo quản

Bảo quản viên nén và viên nhai trong lọ kín, ở nhiệt độ dưới 40 oC, thích hợp nhất là trong khoảng 15 - 30 oC. Hỗn dịch uống bảo quản trong lọ kín, tránh ánh sáng, ở nhiệt độ dưới 40 oC, thích hợp nhất là trong khoảng 15 - 30 oC, tránh để đông băng.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu tham khảo

Dược thư Quốc Gia Việt Nam.

Video giới thiệu

[hQJ_oLsiqSs]
Góc tri ân

Thư cảm ơn Khoa Tai Mũi Họng

Trước đây, Cô là bệnh nhân luôn mang trong mình tâm lý lo sợ về bệnh tật. Nhưng từ khi được điều trị phẫu thuật và chăm sóc tại Khoa Tai Mũi Họng, Cô đã cảm giác được không khí ấm áp, chu đáo của các Bác sĩ nhân viên nơi đây, Cô thấy mình như đang được điều trị ở nhà... Chúc các con luôn nhiều sức khỏe và tinh thần an lạc..Ngày đến đêm luôn niềm nở ân cần, luôn đứng vững để sáng ngời y đức. (Cô. Nguyễn Thị Tuyết Hương).

Cảm ơn toàn bộ Bác sĩ và nhân viên bệnh viện !

Tôi bị u xơ và được các bác sĩ chỉ định mổ tại bệnh viện, do hoàn cảnh cá nhân không có người nhà đi kèm, tôi tự đi khám và mổ một mình, tâm trạng rất lo lắng, căng thẳng. Nhưng được sự thấu hiểu tâm lý yêu thương của các bác sĩ, các nữ hộ sinh và nhân viên ê kip mổ gây mê hồi sức,... đã giúp tôi an tâm, tin tưởng kết quả là sức khỏe, thể trạng và tinh thần tôi rất tốt, ổn định, vui vẻ, Tôi luôn biết ơn sự yêu thương người bệnh của tập thể bác sỹ bệnh viên mình, nhân viên tận tâm, nhiệt tình, yêu nghề,...dẫu thời gian ở bệnh viện không lâu nhưng đủ những cảm xúc tôi không thể nào quên, Xin chúc tất cả bác sĩ ngày càng yêu nghề, BV ĐHYD CS2 ngày càng phát triển,..Tôi xin chân thành cảm ơn (Nguyễn Thị Ánh Ngân).

Trân trọng cảm ơn sự tận tình, chăm sóc điều trị

Trong thời gian người nhà chúng tôi điều trị tại đây, chúng tôi đã nhận được sự tận tình chăm sóc, điều trị của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng của Đơn vị Chấn thương Chỉnh hình, Đặc biệt xin cảm ơn đến ekip phẫu thuật...sự tận tâm này đã xua tan những nỗi đau và nỗi lo cho Má tôi là bà Huỳnh Thị Dung. Xin trân trọng cảm ơn bệnh viện đã tổ chức tốt một nơi khám chữa bệnh. Xin kính chúc toàn thể đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế nhiều sức khỏe.(Nguyễn Tấn Hưng).

Lời thơ thay lời cảm ơn

Gửi tặng ê- kíp Bác sỹ các y tá, điều dưỡng của Khoa Ngoại Tổng hợp BV Đại học Y Dược Cơ sở 2 TP.HCM thay lời cảm ơn Rất xúc động trước tấm lòng Bác sỹ. Đã tận tình giúp đỡ chồng tôi. Biết bao những giọt mồ hôi. ... Bác sỹ mổ, hiền khô, tâm đức Lời ngọt ngào an ủi bệnh nhân Còn hơn cả những người thân Tâm tình, gần gũi những lần vào thăm.