Đau nửa đầu: bệnh nặng hay nhẹ?

Kiến thức Y khoa

Đau nửa đầu: bệnh nặng hay nhẹ?

Thứ Hai, 08 tháng 07 năm 2024

Thứ Năm, 08/07/2024 10:07

TT - Một bệnh nhân đã gửi thư hỏi: “Thưa bác sĩ, tôi năm nay 43 tuổi. Khoảng vài năm gần đây tôi thường hay bị đau đầu, có khi đau rất dữ dội, đau đến mờ mắt, chóng mặt và hầu như không thể tập trung làm được việc gì”.

https://tuoitre.vn/dau-nua-dau-benh-nang-hay-nhe

70%

Bệnh nhân cho biết thêm: “Tôi đã đi khám nhiều nơi và bác sĩ đều nói tôi bị viêm xoang rồi cho thuốc uống, nhưng lúc thì bệnh giảm chút ít, lúc lại không. Tháng trước tôi có đến khám ở cơ sở 2 Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM thì được bác sĩ chẩn đoán “nhức đầu migraine” và kê toa thuốc dùng trong một tuần. Sau khi uống thuốc tôi thấy nhẹ nhõm hoàn toàn, khác hẳn các lần trước! Tôi như cất được gánh nặng nhưng vẫn thấy lo vì không hiểu đây là bệnh gì, có nguy hiểm không? Rất mong được bác sĩ giải thích”.

Nhức đầu do migraine khác do viêm xoang

Nhầm lẫn giữa nhức đầu migraine với nhức đầu do viêm xoang như trường hợp trên đây là chuyện xảy ra khá thường xuyên. Theo thống kê của GS Peter Goasby, phụ trách nghiên cứu về chứng nhức đầu của Đại học California, Mỹ, có đến 80% bệnh nhân migraine trước khi được chẩn đoán đúng bệnh đều nghĩ mình bị viêm xoang! Vậy nhức đầu migraine là bệnh gì?

Nhức đầu migraine (hay nhức nửa đầu, nhức đầu vận mạch, thiên đầu thống) là chứng nhức đầu khá hay gặp và cũng khá thường bị chẩn đoán sai là viêm xoang. Đây là căn bệnh được nhắc đến từ rất lâu, khoảng 1.200 năm trước Công nguyên, trong các văn bản cổ ngữ Ai Cập đã có mô tả về chứng bệnh giống đau nửa đầu. Từ thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, vị bác sĩ Hi Lạp cổ đại Aretaus vùng Cappatocia được coi là người “khám phá” bệnh đau nửa đầu với những mô tả chính xác về căn bệnh này, nhưng đến tận ngày nay các nhà nghiên cứu bệnh học vẫn chưa tìm được giải thích thỏa đáng về nguyên nhân của bệnh.

Những điều đã được công nhận rộng rãi

1. Cơn đau thường bắt đầu từ giữa trán hay phía trên mắt rồi lan ra một bên đầu, kéo dài từ 4-72 giờ, thường kèm theo buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh. Đôi khi có vài dấu hiệu báo trước như mỏi mệt khác thường, cáu gắt, hoa mắt, ù tai, tê tay chân...

2. Tần suất bệnh ở trẻ dưới 12 tuổi là như nhau ở cả hai giới (4-5%), nhưng sau dậy thì cho đến tuổi trung niên thì tỉ lệ bệnh nhân nữ tăng dần đến gấp 2-3 lần nam giới. Sau mãn kinh tỉ lệ bệnh ở nữ giảm dần, đến độ tuổi 70 thì lại cân bằng ở cả hai giới (khoảng 5%).

3. Nguyên nhân bệnh: chính là điều còn gây tranh luận giữa các chuyên gia, nhưng tất cả đều thừa nhận có sự liên quan của các yếu tố: các hóa chất thần kinh - mạch máu não - các tế bào não.

4. Các yếu tố thuận lợi có thể kích hoạt bệnh migraine (theo từ điển Bách khoa toàn thư y học MedlinePlus):

- Dị ứng.

- Stress về thể chất hoặc tinh thần.

- Ánh sáng mạnh hoặc chớp tắt liên tục, âm thanh lớn hoặc một số mùi nào đó.

- Hút thuốc (hoặc hít khói thuốc lá thụ động).

- Sử dụng thức uống có cồn.

- Ăn uống thiếu thốn, bỏ bữa thường xuyên hoặc thiếu ngủ.

- Nhức đầu do căng thẳng.

- Thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt, sử dụng thuốc ngừa thai, thay đổi hormone trong giai đoạn tiền mãn kinh.

- Thực phẩm: các nghiên cứu không xác định rõ ràng loại thực phẩm nào sẽ gây ra migraine, nhưng vài loại có thể kích hoạt cơn đau nửa đầu ở một số người như thực phẩm chứa tyramine (rượu vang đỏ, phômai cũ, cá xông khói, gan gà, đậu nành), bột ngọt hoặc muối nitrat (thịt muối, xúc xích, xúc xích salami), sữa chua, giấm, chocolate, các loại quả họ cam quýt, chuối...

5. Dù uống các thuốc giảm đau ngay từ đầu có thể giúp người bệnh dễ chịu tạm thời, nhưng bệnh này nên được đánh giá và hướng dẫn điều trị bởi thầy thuốc, tránh lạm dụng thuốc giảm đau lâu dài vì điều này sẽ dẫn đến chứng “đau đầu ngược”, có thể gây ra chứng đau đầu mãn tính hằng ngày.

Các biện pháp dự phòng bệnh đau nửa đầu là một phần quan trọng trong việc điều trị bệnh này, gồm uống thuốc hay bổ sung dinh dưỡng và thay đổi lối sống (tăng cường tập thể dục và tránh các yếu tố gây kích hoạt cơn đau đã nói trên đây).

Đau nửa đầu là bệnh không gây ra tàn phế hay tử vong, nhưng làm người bệnh cực kỳ khó chịu và mất hiệu suất cũng như khả năng tập trung làm việc. Về khía cạnh kinh tế xã hội thì bệnh làm tiêu tốn nhiều chi phí y tế và ảnh hưởng đến sức lao động. Theo một nghiên cứu chính thức, đau nửa đầu là rối loạn thần kinh gây tốn kém nhất ở châu Âu - chỉ riêng năm 2005 châu Âu đã mất hơn 27 tỉ euro vì căn bệnh này!

Người bệnh migraine sống rất nguyên tắc

Các chuyên gia IHS (Hiệp hội Quốc tế về bệnh đau đầu - International Headache Society) nhận thấy thường những người bệnh migraine sống rất nguyên tắc, đến mức cứng nhắc. Việc gì họ cũng muốn làm đúng theo kế hoạch và phương pháp, luôn muốn kết quả phải hoàn hảo. Họ kiềm chế tốt và không thích bị dưới quyền người khác. Vậy nên chúng ta có lẽ cố gắng sống một cách “tâm bình khí hòa”, biết vị tha và thông cảm, tiến thoái đúng lúc, biết hòa hợp và thích ứng linh hoạt với thế giới xung quanh... thì có thể cái đầu của ta sẽ đỡ khổ vì những cơn đau...

BS. CKI Phan Quốc Bảo

 Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 2

Thông tin liên hệ:

Video giới thiệu

[hQJ_oLsiqSs]
Góc tri ân

Thư cảm ơn Khoa Tai Mũi Họng

Trước đây, Cô là bệnh nhân luôn mang trong mình tâm lý lo sợ về bệnh tật. Nhưng từ khi được điều trị phẫu thuật và chăm sóc tại Khoa Tai Mũi Họng, Cô đã cảm giác được không khí ấm áp, chu đáo của các Bác sĩ nhân viên nơi đây, Cô thấy mình như đang được điều trị ở nhà... Chúc các con luôn nhiều sức khỏe và tinh thần an lạc..Ngày đến đêm luôn niềm nở ân cần, luôn đứng vững để sáng ngời y đức. (Cô. Nguyễn Thị Tuyết Hương).

Cảm ơn toàn bộ Bác sĩ và nhân viên bệnh viện !

Tôi bị u xơ và được các bác sĩ chỉ định mổ tại bệnh viện, do hoàn cảnh cá nhân không có người nhà đi kèm, tôi tự đi khám và mổ một mình, tâm trạng rất lo lắng, căng thẳng. Nhưng được sự thấu hiểu tâm lý yêu thương của các bác sĩ, các nữ hộ sinh và nhân viên ê kip mổ gây mê hồi sức,... đã giúp tôi an tâm, tin tưởng kết quả là sức khỏe, thể trạng và tinh thần tôi rất tốt, ổn định, vui vẻ, Tôi luôn biết ơn sự yêu thương người bệnh của tập thể bác sỹ bệnh viên mình, nhân viên tận tâm, nhiệt tình, yêu nghề,...dẫu thời gian ở bệnh viện không lâu nhưng đủ những cảm xúc tôi không thể nào quên, Xin chúc tất cả bác sĩ ngày càng yêu nghề, BV ĐHYD CS2 ngày càng phát triển,..Tôi xin chân thành cảm ơn (Nguyễn Thị Ánh Ngân).

Trân trọng cảm ơn sự tận tình, chăm sóc điều trị

Trong thời gian người nhà chúng tôi điều trị tại đây, chúng tôi đã nhận được sự tận tình chăm sóc, điều trị của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng của Đơn vị Chấn thương Chỉnh hình, Đặc biệt xin cảm ơn đến ekip phẫu thuật...sự tận tâm này đã xua tan những nỗi đau và nỗi lo cho Má tôi là bà Huỳnh Thị Dung. Xin trân trọng cảm ơn bệnh viện đã tổ chức tốt một nơi khám chữa bệnh. Xin kính chúc toàn thể đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế nhiều sức khỏe.(Nguyễn Tấn Hưng).

Lời thơ thay lời cảm ơn

Gửi tặng ê- kíp Bác sỹ các y tá, điều dưỡng của Khoa Ngoại Tổng hợp BV Đại học Y Dược Cơ sở 2 TP.HCM thay lời cảm ơn Rất xúc động trước tấm lòng Bác sỹ. Đã tận tình giúp đỡ chồng tôi. Biết bao những giọt mồ hôi. ... Bác sỹ mổ, hiền khô, tâm đức Lời ngọt ngào an ủi bệnh nhân Còn hơn cả những người thân Tâm tình, gần gũi những lần vào thăm.